Chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19
Cảm ơn bạn Nguyễn Quốc Thái đã chia sẻ rất chi tiết về kinh nghiệm du lịch Đài Loan tự túc của mình. Nào Cùng Đi xin chia sẻ lại bài review này để giúp cho bạn nào đang có ý định đi du lịch Đài Loan sẽ có cái nhìn từ tổng quan đến chi tiết về đảo quốc này.
Đài Loan đã quá nổi tiếng dạo gần đây, nhất là với bạn nào thích Trà Sữa, các món ăn nhanh hoặc quần áo, mỹ phẩm các lọai. Với chính sách miễn visa như hiện tại thì việc đi Đài Loan cũng không còn khó lắm. Mình vừa có chuyến du lịch Đài Loan tự túc 6 ngày 6 đêm về nên muốn chia sẻ vài kinh nghiệm sống còn cho bạn nào chuẩn bị có chuyến du lịch giống mình.
Cần chuẩn bị gì trước chuyến du lịch Đài Loan?
Visa
Đối với người Việt Nam có hộ chiếu thường, có 2 cách để bạn nhập cảnh Đài Loan hợp pháp:
1. Làm visa Đài Loan
Bạn có thể tự nộp hồ sơ xin visa Đài Loan hoặc nhờ dịch vụ với phí khoảng 100 USD. Nếu tự nộp hồ sơ thì bạn có thể lên trang web của văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc để xem hướng dẫn. Có sổ tiết kiệm chứng minh tài chính từ 50.000.000đ trở lên là ok.
Visa thường là lọai nhập cảnh 1 lần với thời hạn 14 ngày, nếu “xui xẻo” bạn sẽ được cấp lọai 7 ngày nhập cảnh 1 lần. Sau khi đi xong về phải qua lại văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc khai báo nữa.
2. Làm Evisa Đài Loan
Rất nhiều bạn hiểu lầm là Đài Loan miễn visa cho Việt Nam, điều này nói đúng mà cũng không đúng. Tức bạn vẫn phải xin Evisa, in ra và đem cái đó cùng hộ chiếu cho bên hải quan xem mới được nhập cảnh, chứ không phải cứ tung tăng cầm Passport lên và đi như những nước Đông Nam Á đâu nhé.
Về phần này thì miễn visa có nghĩa là khi visa các nước như Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản, Úc, Mỹ, Schenghen, New Zealand, Canada và visa Đài Loan của bạn còn hoặc hết hạn trong 10 năm thì bạn đựơc cấp giấy phép nhập cảnh (hay còn gọi là Evisa) trong 90 ngày, nhập cảnh nhiều lần, mỗi lần 14 ngày. Bạn nào từng đi lao động Đài Loan thì không được xin Evisa theo diện trên nhé.
Khi apply cái Evisa này sẽ nhả ngay cho bạn trong 5 phút qua email. Còn nếu không nhả Evisa tức là đã bị trùng tên trong danh sách Black List cấm nhập cảnh Đài Loan. Để khắc phục vấn đề này có 2 phương án là nhờ dịch vụ gỡ Black List với chi phí 50 USD hoặc apply lại visa như cách đầu tiên.
Đổi tiền
Bạn nên đổi ra Đài Tệ luôn từ Việt Nam, tránh đổi ở sân bay do chênh lệch mệnh giá khá cao. Ngoài ra, bạn cần lưu ý là không thấy tờ 200 và 2000 Đài Tệ do hai tờ này rất hiếm và được xem là tiền xui xẻo của Đài Loan. Nên nếu có bị thối lại thì nên từ chối hoặc giữ làm kỷ niệm, tương tự với đồng 2 tệ và 20 tệ cũng vậy.
Tỷ giá lúc mình đổi là 1000 VND = 1,4 Đài Tệ.
Lưu ý:Bạn nên ghi chép lịch trình một cách chi tiết vào cuốn sổ tay, chuẩn bị những giấy tờ cần thiết trước, nên in giờ bay, số hiệu chuyến bay và những thủ tục cần thiết. Đối với visa xin online hãy in màu để làm thủ tục nhập cảnh nhé. Hãy luôn mang theo bản đồ thành phố và tàu điện, có thể tải app tra tàu khi đến Đài Loan.
Ngôn ngữ
Ngôn ngữ chính thức của Đài Loan là tiếng phổ thông, nghe và nói 80% giống với Trung Quốc Đại Lục, có vài âm luyến, ngoài ra còn có tiếng Quảng Đông và Phúc Kiến. Chữ thì 100% phồn thể ở mọi nơi, nhiều nơi công cộng có cả chữ giản thể.
Tiếng Anh chỉ thấy ở những khu du lịch nổi tiếng, chợ đêm lớn ở Đài Bắc và trong tàu điện ngầm. Người Đài Bắc nói tiếng Anh tốt nhất, sau đó ngược về miền Nam là Đài Trung… Càng xuống dưới càng ít người biết tiếng Anh. Ngoài ra, nhiều người Đài Loan nói tiếng Nhật cũng rất giỏi do từng bị Nhật đô hộ hồi thời nhà Thanh.
Các phương tiện di chuyển tại Đài Loan
Mình di chuyển bằng 5 phương tiện chính là tàu hỏa, tàu điện, tàu cao tốc, taxi và “đi bộ”. Mình không thích dùng tàu cao tốc HSR lắm chính là vì nó ở xa trung tâm thành phố (trừ Đài Bắc), bạn phải đi xe bus hoặc taxi để ra trạm tàu, đã vậy vé tàu còn mắc hơn tàu thường.
Nếu đi nhóm đông người, các bạn có thể linh hoạt đi taxi với mức giá mở cửa từ 70 – 85 tệ, đi 3 km tầm 200 tệ. Đi bộ thì khỏi bàn, bạn nào ra nước ngoài phải luôn tâm niệm đi bộ là chân lý nhé. Ngoài ra với tuyến Gia Nghĩa A Lý Sơn thì đi xe bus là rẻ và tiện nhất. Hoặc nếu muốn thong thả hơn thì thuê xe ô tô trên Klook có tài xế chở mình đi đến những điểm du lịch nổi tiếng luôn.
1. Tàu điện
Có 2 thành phố có tàu điện ở Đài Loan là Cao Hùng và Đài Bắc, sắp tới tại Đài Trung cũng có (nghe đồn năm 2019 sẽ đi vào hoạt động). Tàu ở Cao Hùng có 3 line, line chính là line đỏ nối hầu hết các trạm chính ra các điểm nổi bật. Từ sân bay Cao Hùng về trung tâm thì đi line đỏ mất khoảng 20 phút.
Tàu điện ở Đài Bắc có 4 – 5 line gì đó. Đa số các bạn sẽ đi line đỏ, line xanh lá và xanh dương, còn line tím là tàu nhanh ra sân bay. Thường đi từ 2 – 5 trạm tàu ở cả Cao Hùng lẫn Đài Bắc sẽ tốn khoảng 20 – 30 tệ.
Nếu bạn dừng ở Cao Hùng trước thì mua thẻ Ipass, nếu dừng ở Đài Bắc trước thì mua thẻ Easy Card, 2 thẻ này đều cùng chức năng chi trả tiền tàu, tiền xe buýt, tiền mua đồ trong cửa hàng tiện dụng… Giảm 15 – 20% cho các line tàu điện ở 2 thành phố, giảm 10% tàu hỏa và xe bus cũng được giảm 10% nếu dùng thẻ.
Thẻ Ipass và Easy Card đều đồng giá 100 tệ, mỗi lần nạp từ 100 – 5.000 tệ, có máy nạp bằng tiếng Anh ở hầu hết các trạm tàu. Hoặc bạn có thể vào 7Eleven, Family Mart để nạp.
2. Tàu hỏa
Mình rất thích đi tàu hỏa ở Đài Loan vì rất tiện, có nhiều chuyến trong ngày và nhiều loại tàu để lựa chọn. Mỗi chuyến cách nhau chỉ 5 – 10 phút mà bao phủ hết cả Đài Loan. Tàu hỏa ở Đài Loan có thể chia thành các loại như sau:
Tàu Local: đây là loại tàu hỏa chậm nhất Đài Loan, dừng ở tất cả các ga, giá rẻ nhất và không cần phải đặt vé trước, chỉ việc lên tàu và ngồi thôi. Tàu này ít ghế hơn các tàu khác, có thông báo bằng tiếng Anh, dùng thẻ Ipass hoặc Easy sẽ được giảm 10%. Mỗi chuyến tàu cách nhau 5 -10 phút.
Tàu Tze Chiang Express: đây là tàu hỏa nhanh nhất Đài Loan, lọai tàu này có nhiều ghế ngồi và cần đặt vé trước nếu đi vào dịp lễ tết, ngày cuối tuần, ngày thường khỏi đặt cũng được, cứ lên ngồi khi nào có người kêu nhường ghế thì kiếm ghế khác. Tàu có chỗ để hành lý trên cao, giá gấp đôi so với tàu Local, dùng thẻ Ipass hoặc Easy sẽ giảm 10%, thường 1 tiếng hoặc nửa tiếng mới có một chuyến và tàu không dừng ở tất cả trạm mà chỉ dừng ở các trạm lớn.
Tàu Chu Kuang: tàu hỏa nhanh nhì Đài Loan, tàu này cũng giống Tze Chiang mà đi chậm hơn một chút thôi.
Tàu Taroko Express: tàu này đi Hoa Liên, bắt buộc phải đặt vé trước, không có vé là không được lên tàu nên không dùng thẻ Ipass hoặc Easy được, tốc độ bằng tàu Tze Chiang.
Chia sẻ:Để xem khoảng cách địa điểm, giờ đến và lịch chạy của các loại tàu hỏa, các bạn vào trang Taiwan Railway Administrations mục Schedule, nhập điểm đi điểm đến, ngày đi là thấy. Đừng cố đặt vé online trên trang web này vì hệ thống này luôn luôn lỗi.
3. Tàu cao tốc
Đây là phương tiện di chuyển nhanh nhất ở Đài Loan và chỉ có ở bên phía Tây, từ Cao Hùng đi Đài Bắc mất chỉ 2 tiếng, giá vé đắt nhất trong các loại phương tiện khác, như mình nhớ từ Cao Hùng đi Đài Bắc giá vé là 1.700 tệ. Tuy nhiên, bạn có thể săn vé rẻ trước 10 ngày qua website và thanh toán bằng thẻ visa debit hoặc credit. Giá vé giảm 10% – 35% tùy loại tàu.
Tàu cao tốc rất rộng, ghế ngồi êm, có tạp chí bằng tiếng Hoa, có máy bán nước trong tàu và đặc biệt là ở ga tàu nói tiếng Anh rất tốt, nói chung do Nhật Bản làm nên chất lượng thì khỏi phải bàn. Tàu chỉ ghé ở các trạm lớn nên đi rất nhanh, mua vé xong ghi lại mã code để ra ga tàu đổi vé hoặc đổi ở 7Eleven phải trả thêm 20 tệ.
Tuy nhiên, tàu cao tốc thường cách trung tâm thành phố từ 7km trở lên. Ở Đài Bắc thì ngay trung tâm trạm Taipei Main Station. Bạn hãy lên google search Shuttle Bus đi từ trung tâm ra trạm tàu, thường đi xe bus này free, đi tầm 30 phút là tới.
4. Xe bus
Ở Đài Loan rất nhiều xe bus với giá rất rẻ, chỉ từ 12 tệ mà chỗ ngồi lại rộng rãi thoáng mát. Tuy nhiên thời gian đợi xe bus rất lâu và đối với xe bus đi A Lý Sơn thì khả năng đứng là rất cao nha. Để biết các điểm dừng thì hãy tải app Taiwan Bus Tracker vào điện thoại. Bạn có thể dùng thẻ để thanh toán sẽ được giảm 10 – 20%.
5. Đi bộ
Bạn hãy tập làm quen với đi bộ, đặc biệt là ở các chợ đêm tại A Lý Sơn, Cửu Phần, Thập Phần và núi Bitoujiao các bạn nhé.
Nên chọn khách sạn, homestay nào khi du lịch Đài Loan?
Đa số các hostel và homestay ở Đài Loan đều có giường dorm với giá rẻ nhất là 200.000đ – 350.000đ, rất nhiều trong số đó chia theo kiểu dorm đơn và dorm đôi, tức 1 giường 2 người nằm.
Mình đi cũng không cần phải tiện nghi lắm nên thường chọn ở dorm, và được cái những nơi mình ở đều rất gần trạm tàu hoặc các phương tiện công cộng mà giá phòng thì vô cùng phải chăng.
- Cao Hùng: mình ở tại Light Hostel Kaohsiung.
- Gia Nghĩa: phòng gần ga tàu hỏa ko thiếu nhưng giá rẻ thì hơi bị khó, do đa số các phòng đều là phòng đôi hoặc đơn mà không phải giường dorm, mình chọn ở tại Jia Xin Hotel.
- Đài Trung: để tiện thì mình cũng ở gần ga tàu hỏa Đài Trung. Chỗ mình ở là Moon Lake Hotel, nhìn bề ngoài khá đẹp nhưng trong phòng hơi tàn, có thể nói là tàn nhất trong tất cả các phòng mình ở, nhưng vẫn chấp nhận được. Đặc biệt hotel ở ngay con đường bán toàn quán Việt. Giá phòng dorm chỉ là 280.000đ/người mỗi ngày.
- Đài Bắc: về phần thành phố lớn nhất Đài Loan thì chuyện tìm khách sạn không khó nhưng rẻ và gần trạm Taipei Main Station mới khó. Mình chọn ở Here x There Hotel chỉ cách cổng exit 8 trạm Main Station tầm 300m.
Các quán ăn và món ăn ngon tại Đài Loan
Đài Loan là thiên đường ẩm thực đối với mọi người nhưng với mình thì thấy đồ ăn Đài Loan chỉ ở mức khá vì nó quá lạt và nhiều dầu mỡ. Các cửa hàng trà sữa mình thử đa số đều lạt dù đã kêu để full đường. Các món ăn cũng vậy, trừ Din Tai Fung rất vừa ăn.
Đến Đài Loan phải ăn thử món gì?
Nhiều lắm, rất nhiều món mà bạn phải ăn thử là đằng khác. Một số món tiêu biểu có thể kể đến như: Trà Sữa – quốc ẩm của Đài Loan, Tàu Hủ Thúi, Cơm Thịt Hầm, Xúc Xích Nướng, Mực Xiên Que chiên giòn, Gua Bao, Bánh hẹ, Mì hào, Tiểu Long Bao, Bánh quan tài, bánh dứa, nấm nướng, Thạch Ayi, Gà chiên, sữa đường đen trân châu, cơm cuộn, sữa đậu nành nóng, xôi huyết heo, mì bò…
Các món trên đa số đều có bán ở các chợ đêm, giá cũng từ 20 – 200 Đài Tệ một món. Các phần ăn cũng vừa, không lớn không nhỏ, một người ăn no 1 buổi cũng phải từ 100 – 150 tệ.
Một vài quán ăn nổi tiếng ở Đài Loan
- Lan Gia Gua Bao ở chợ đêm Gongguan
- Sữa tươi đường đen Trần Tam Đỉnh ở chợ đêm Gongguan
- Trà sữa chính gốc Chun Shui Tang ở Đài Trung
- Gà rán Hot Star tại chợ đêm Shilin, khu Tây Môn
- Aycheng Mee Sua ở Tây Môn
Các địa điểm du lịch nhất định phải tới khi đến Đài Loan
Lịch trình du lịch Đài Loan tự túc 6 ngày 6 đêm
Lịch trình mình đi như sau, các bạn có thể tham khảo hoặc thay đổi và bổ sung thêm theo ý thích của bạn:
- Ngày 1: Cao Hùng – Trạm tàu Formosa Boulevard – Đầm Liên Trì (Long Hổ Tự) – Chợ đêm Lục Hợp
- Ngày 2: Gia Nghĩa – A Lý Sơn – Chợ đêm Văn Hòa
- Ngày 3: Đài Trung – Núi Bát Quái – Trạm xe buýt Totoro – tiệm trà sữa Chun Shui Tang – Biển Cao Mỹ
- Ngày 4: Đài Bắc – Tháp Taipei 101 – Làng Sisi Nan Cun – Bảo tàng Tôn Trung Sơn – Núi Voi – Chợ đêm Nhiêu Hà – Khu shopping quần áo Wufenpu
- Ngày 5: Cửu Phần – Bitoujiao – Thập Phần – khu Tây Môn
- Ngày 6: Quảng trường Trung Chính – Cảng Đạm Thủy – nhà hàng Din Tai Fung chi nhánh Sogo – chợ đêm Gongguan – chợ đêm Sỹ Lâm
- Ngày 7: bay về lại Việt Nam
Tổng chi phí du lịch Đài Loan 6 ngày 6 đêm
- Visa Đài Loan tự làm: 1.100.000đ
- Khách sạn, hostel: 1.600.000đ/6 ngày
- Vé máy bay khứ hồi HCM – Đài Bắc: 3.500.000đ
- Tiền ăn, uống và di chuyển: 4.800.000đ
Tổng cộng: 11.000.000đ/người