Bạch Long Vĩ – Viên ngọc xanh giữa Vịnh Bắc Bộ

Truyền thuyết kể rằng: Thuở hồng hoang rồng Mẹ dẫn đàn con hạ xuống trần gian ở vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng. Rồng Mẹ hạ xuống nơi được gọi là vịnh Hạ Long ngày nay, đàn con hạ xuống xung quanh tạo thành vịnh Bái Tử Long và quần đảo Cát Bà. Nơi đuôi rồng Mẹ hạ xuống nay là Bạch Long Vĩ (Đuôi rồng trắng) – đảo tiền tiêu trong vịnh Bắc Bộ của Việt Nam…

7 giờ phiêu trên sóng

Theo sự sắp xếp của Phó Chủ tịch huyện đảo Bạch Long Vĩ, Đào Trọng Tuệ, chúng tôi lên tàu Cường Thịnh 01, chuyên chở nhiên liệu cho đảo, xuất phát từ bến Bính (Hải Phòng).

Sau khoảng nửa giờ “len” qua các tàu chở công-ten-nơ đùng đoàng đang vào các cảng Chùa Vẽ, Tân Cảng, Đình Vũ, tàu chúng tôi đến cửa sông Cấm.

Cây cầu vượt biển Đình Vũ – Cát Hải (hay còn gọi là Tân Vũ – Lạch Huyện) sừng sững trước mắt, khiến không gian biển tưởng chừng mở rộng bất tận bỗng dưng bó hẹp qua mấy trụ cầu.

cầu vượt biển đình vũ cát hải

Đảo Cát Hải yên bình thuở nào nay sôi động bởi những con tàu lớn, có tàu trọng tải lên đến 100.000 tấn (8.000 TEU) vào, ra cảng Lạch Huyện “ăn” hàng.

Phía đối diện, đảo Cát Bà lại lặng lẽ với những dãy núi đá im lìm, con đường mảnh mai vắt qua đá xám để đến trung tâm đảo. Trên mặt biển, những tàu cá mỏng manh mải mốt về cảng để kịp xuống hàng.

Khi đảo Cát Bà dần đang dần thu nhỏ trong tầm mắt, bỗng nhiên ai trong chúng tôi cũng có cảm giác nôn nao trong người, mặt nhăn nhăn. Cậu thủy thủ chắc quá quen cảnh đó, cười bảo: “Các anh vào phòng nằm im, nhắm mắt lại, ngủ được càng tốt. Đây là vùng đảo Long Châu, đan xen hai luồng nước nên nếu không quen dễ bị say sóng lắm đấy ạ”.

Chỉ nằm độ nửa tiếng, hết cảm giác nôn nao, tôi lại ra ngoài boong tàu ngắm cảnh. Trời trong veo, biển lặng, xanh ngăn ngắt và không một bóng tàu. Những chú chim hải âu đang chao liệng trên cao, bất ngờ lao xuống mặt nước để bắt mồi tầng mặt, rồi vút bay lên, để lại những giọt nước trong veo ruộm ánh nắng vàng đẹp mắt trước khi rơi trở về biển cả.

Thỉnh thoảng, có đàn cá chuồn rất đông phóng lên không trung cách mặt nước vài mét rồi bay xa vài chục mét, những chiếc vây giống cánh con chuồn chuồn lúc bay như những cánh chim, lấp lánh ánh nước.

Sau hơn 7 tiếng đè sóng bạc, chúng tôi đã nhìn thấy đảo Bạch Long Vĩ hiện ra, chơi vơi như ốc đảo xanh giữa đại dương…

đảo bạch long vĩ hải phòng

Hoang sơ đảo đá

Phó Chủ tịch huyện đảo Đào Trọng Tuệ đón tôi trên cầu tàu bằng nụ cười trầm ấm nhưng khỏe khoắn của người từng là lính chốt trên đảo. Lắc lắc tay tôi như “kiểm tra” sức khỏe, ông Tuệ hỏi: “Có mệt không? Có bị say sóng không?”.

Sau những câu hỏi mà không cần câu trả lời, ông Tuệ dẫn tôi đi tham quan khu âu tàu có kiến trúc hình viên kim cương. “Đây là nơi đông vui, nhộn nhịp nhất trên đảo đấy bởi thường xuyên có khoảng 500 tàu vào mua bán hải sản, tiếp lương thực, thực phẩm, dầu, nước đá…

Vào những lúc cao điểm, âu tàu có thể đón 20.000 lượt tàu đánh bắt hải sản vào tránh trú bão. Cả đảo có khoảng 1.000 dân cơ hữu và cũng có khoảng ngần ấy người nữa đến từ các tàu đánh bắt hải sản sinh hoạt không thường xuyên trên âu tàu này”, ông Tuệ cho biết.

Trên mặt biển trong âu cảng, các tàu xếp hàng ngay ngắn, trật tự. Loanh quanh là những chiếc thuyền nhỏ xíu bán nước ngọt, tạp hóa. Ông Tuệ rủ tôi lên một tàu bán hàng dịch vụ chạy quanh vụng.

bến thuyền trên đảo bạch long vĩ

Khoảng hơn nửa tiếng, chúng tôi lại trở lên bờ để chủ thuyền lấy thêm hàng hóa. Chỉ chừng ấy thôi, tôi cũng làm được vài ly rượu, ăn miếng mực tươi nướng của mấy chủ tàu cá, biết được tàu nào đợt này đánh được nhiều loại hải sản gì… Nhưng thành quả lớn nhất sau 1 giờ “lang thang” chính là chú cá song (hay còn gọi là cá mú) nặng gần 1kg do ông chủ tàu BV39749TS tặng.

“Muộn rồi, về làm mồi nhậu thôi”, anh Thắng – con trai ông Tuệ, nói với tôi, rồi treo chú cá lên tay lái chiếc Dream thần thánh. Trên đường về nhà, ông Tuệ bảo: “Trong lúc chờ cháu nấu ăn, tranh thủ ra bãi tắm ngắm hoàng hôn nhé”.

Bạch Long Vĩ chỉ rộng khoảng 2,5km2 khi thủy triều lên và hơn 4km2 khi thủy triều xuống. Phần chênh lệch diện tích giữa hai con nước là những bãi cát dài trắng mịn uốn lượn theo chân núi, tạo thành bãi tắm tuyệt đẹp mỗi khi thủy triều xuống.

Từ nhà ông Tuệ, chỉ đi bộ 5 phút là ra bãi tắm. Ánh hoàng hôn cuối chiều trên biển thật đẹp. Cả một vùng biển rộng lớn như được dát vàng bởi ánh mặt trời. Và rồi ánh cam cứ thu nhỏ dần, nhỏ dần như trái cam ở cuối đường chân trời.

Bên cạnh bãi tắm là bãi đá cạn với hàng trăm viên đá hình thù khác nhau, với cơ man xương rồng. Giữa cỗi cằn gió biển và sương mặn, mỗi đốm hoa vàng của loài cây khắc khổ này như một đốm niềm tin, bình yên mà vững chãi.

Cát ở đây lẫn vô số vỏ sò, vỏ san hô được sóng biển bào mòn, lấp lánh, đầy màu sắc. Vỏ sỏ, vỏ san hô dưới ánh nắng nhạt chiều tà bỗng bật lên rực rỡ bảy sắc cầu vồng, trông vô cùng thú vị.

Trời hơi lạnh, nhưng tiếc công sức đã ra đảo, tôi vẫn cố xuống nước bơi vài vòng. Nước biển rất trong, không cần đeo kính bơi tôi cũng nhìn thấy đáy, trông rất sống động với những loại sinh vật nhỏ bé, nhiều màu, bơi đi bơi lại.

Trở về nhà ông Tuệ khi huyện đảo đã lên đèn, tôi cảm thấy thấm mệt bởi một ngày dài vượt sóng và bơi hơi nhiều vì… tham. Ấy thế nhưng mọi mệt nhọc tan biến khi ngồi bên nồi lẩu nóng hổi, thưởng thức miếng cá song thịt trắng phau, dai, ngọt thanh cùng lớp da cá béo giòn sừn sựt, uống ly rượu ngâm bào ngư và rổn rảng chuyện trò với người được xem là pho “sử sống” của đảo.

Những câu chuyện về Bạch Long Vĩ mà Phó Chủ tịch huyện đảo Đỗ Trọng Tuệ kể cho tôi nghe tưởng chừng bất tận, từ một hòn đảo hoang không bóng người đến trở thành 1 trong 8 ngư trường và trung tâm dịch vụ nghề cá lớn nhất trong vịnh Bắc Bộ. Đang mải mê, bỗng ông Tuệ chỉ tay qua cửa sổ bảo: “Thành phố nổi của Bạch Long Vĩ là đẹp nhất trên biển nhé”.

Theo tay ông, một vùng biển đêm sáng rực bởi hàng nghìn bóng đèn của hàng trăm con tàu, trông như sao sa xuống mặt nước đen sậm. Điểm vào khung cảnh ấy là những con tàu câu mực với dàn đèn sáng choang hai bên hông di chuyển ra ngư trường để “bắt” luồng cá mực.

Thắng giật tay tôi: “Đi câu mực thôi”.

Cả hai chúng tôi theo một thuyền ra khơi câu mực đêm. Chiếc thuyền chạy độ hơn nửa tiếng thì dừng lại, hợp với hàng chục thuyền câu mực khác tạo thành một “vùng đô thị” của thành phố nổi về đêm Bạch Long Vĩ.

Chỉ bằng mắt thường cũng nhìn thấy rất nhiều bóng trắng của mực ở hai bên mạn thuyền, con thì bằng bàn tay, con thì bằng tờ báo A3. Thắng và người chủ thuyền nhanh chóng thả câu mà mỗi đầu cước là một mồi giả.

Chẳng mấy chốc, những chiếc cần được cả hai thi nhau kéo lên, mực nhiều vô kể. Lũ mực chuyên phun đen để đánh lừa đối thủ hòng thoát thân lại bị lừa bởi ánh sáng đèn từ các thuyền câu, cứ thấy mồi là đớp lấy, đớp để mà không phân biệt thật giả.

Sau một hồi thả giật, giật thả, Thắng thấm mệt. Anh chọn mấy con mực ngon, dùng dao rạch bóc túi mực, rửa sạch. Chủ thuyền nhanh chóng lôi ra chiếc bếp gas du lịch, đặt nồi nước lên, bỏ mấy con mực đã rửa và ít gừng vào rồi bật bếp. Đêm khuya, trời se lạnh, ba chúng tôi thưởng thức miếng mực trắng hồng, dai, ngọt thịt, lại có chút nồng nồng vị gừng khiến cơ thể ấm hẳn lên.

Sáng hôm sau, tôi mượn chiếc xe máy để tham quan đỉnh núi. Tôi theo con đường độc đạo lượn lách qua các khu rừng ngăn ngắt, vòng vo xoáy tròn để lên ngọn hải đăng.

Khắp các triền núi, dọc theo con đường mòn và bờ biển, hoa ngũ sắc tràn ngập và khoe mình mặc những cơn gió biển thổi mạnh. Đỉnh núi khá bằng phẳng, con đường dẫn tới trạm hải đăng khá đẹp, xuyên giữa rừng cây bụi thấp và vẫn thoáng xa xa nhìn thấy biển cả ở bên phải lẫn bên trái.

Đứng trên tháp hải đăng, cả đảo được “ôm” vào trong hết tầm mắt. Có cảm giác, Bạch Long Vĩ mở ra thế giới màu xanh độc đáo với bầu trời trong xanh bao la, biển xanh thăm thẳm và rừng cây ngút ngàn.

Đây là nơi giao hòa của biển trời, biển ôm ấp bầu trời bao la, trời thì muốn nhẹ nhàng sa vào lòng biển. Đúng như lời Phó Chủ tịch huyện đảo Đào Trọng Tuệ, giữa mênh mông sóng nước, mây trời mà ngắm bình minh hay hoàng hôn từ tháp hải đăng thì chỉ có… lịm tim.

đảo bạch long vĩ

Bào ngư – đặc sản không thể bỏ qua

Bạch Long Vĩ là một ngư trường với hàng trăm, hàng nghìn lại hải sản khác nhau như tôm vằn, cá song, cá dìa, cá diệc, cá hú, mực, ghẹ, bề bề, cua biển… Nhưng nhắc đến đặc sản của đảo thì phải nói đến bào ngư. Trung tâm Kỷ lục Việt Nam đã công nhận đây là trong 10 đặc sản hải sản Việt Nam.

Chính vì thế mà ở Bạch Long Vĩ có cả trung tâm giống bào ngư để nghiên cứu và phát triển loại hải sản này. Đây cũng là một điểm dừng chân thú vị bởi du khách sẽ được hướng dẫn tìm hiểu tường tận về bào ngư.

Bào ngư ở Bạch Long Vĩ có 2 loại: bào ngư đá chuyên sinh sống, bám vào các vỉa đá ngầm và bào ngư lỗ chuyên sống trong các lỗ dưới đáy biển.

Bào ngư là loại ốc có vỏ cứng như vỏ sò, nhưng dẹt hơn ở mép vỏ có 7-13 lỗ nhỏ để không khí ra vào. Thông thường có 9 lỗ nên thường còn được gọi là “cửu khổng”. Vỏ bào ngư phía ngoài có nhiều vân tím, nâu, xanh xen kẽ nhau, phụ thuộc vào từng loài thích nghi với môi trường sống riêng có; mặt trong có lớp xà cừ óng ánh.

Thuộc hàng “sơn hào hải vị”, bào ngư Bạch Long Vĩ giàu dược tính, có khả năng bổ âm, tăng khí, hạ nhiệt, tăng cường sinh lực cho nam giới, giúp sáng mắt, trị ho, khó tiêu. Cả vỏ và ruột bào ngư đều được dùng làm thuốc để chữa bệnh và bồi bổ.

Bạch Long Vĩ được mẹ thiên nhiên ban cho nhiều ưu đãi, phải chăng là phần thưởng cho đứa con nằm cách xa đất liền, chơi vơi giữa muôn trùng sóng nước. Đảo dù có diện tích rất khiêm tốn nhưng đủ không gian đồi, thềm, bãi cát biển, bãi tảng, tất cả hài hòa kì lạ tạo nên cảnh quan thiên nhiên đẹp độc đáo, nhưng không kém phần thơ mộng…

Bạch Long Vĩ là hòn đảo cách xa bờ nhất trong vịnh Bắc Bộ, cách hòn Dáu (Đồ Sơn – Hải Phòng) 110km. Đây vừa là đảo, vừa là huyện đảo thuộc thành phố Hải Phòng. Vì xa xôi và khó quy hoạch nên Bạch Long Vĩ còn rất hoang sơ.

Để đi ra đảo, du khách có thể đi theo tàu chở hàng, xuất phát từ đảo Mắt Rồng (xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), tàu khách của huyện đảo xuất phát từ bến Máy Chai (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) hoặc tàu cao tốc Bạch Long của Tổng đội TNXP Hải Phòng, xuất phát từ bến Bính (quận Ngô Quyền, Hải Phòng). Các chuyến tàu này không có biểu giờ cố định, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, sóng biển và phương tiện vận chuyển.

Đặng Huy

Đăng ký theo dõi
Thông báo cho tôi khi có
guest
0 Góp ý
Phản hồi liên quan
Xem tất cả bình luận