Cần làm gì khi lạc trong rừng?

Nào Cùng Đi xin chia sẻ một số kỹ năng cá nhân để xử lý về tình huống khi lạc đoàn, lạc trong rừng trong khi đi trekking hoặc leo núi.

1. Tìm hiểu một số “dấu hiệu” tự nhiên: như vào mùa mưa rêu thường mọc ở phía bắc của cây và đá. Hoặc, mạng nhện thường nằm ở phía nam của cái cây.

2. Nguyên tắc STOP:

  • S – ngồi xuống (Sit down)
  • T – nghĩ (Think)
  • O – Quan sát xung quanh (Observe your surroundings)
  • P – Chuẩn bị để tìm hướng giải quyết bằng các vật dụng mang theo (Prepare for survival by gathering materials)

3. Khi di chuyển tiếp, bạn nên tìm cách đánh dấu như bẻ các nhánh cây ngang tầm mắt và lưu ý chỉ bẻ một hướng bên trái hoặc bên phải, dùng đá vạch mũi tên lên thân cây, xếp chồng các tảng đá tại nơi ngồi nghỉ. (điều này cho người tìm kiếm biết được một số thông tin về chiều cao người mất tích, khoảng cách giữa 2 điểm nghỉ cho biết tình trạng sức khỏe của bạn thế nào, hướng người mất tích đang đi đến là bên trái hay bên phải)

Lưu ý:Việc đánh dấu cũng cho bạn biết mình có đang 'đi vòng tròn' hay không? Vì trong điều kiện mất phương hướng, cơ thể sẽ có dấu hiệu đi chếch về hướng có chân thuận.

4. Tìm nguồn nước: nước thường có trong các cây thân xốp như chuối rừng, bao báp, các cây lá tròn như môn rừng, lá khoai cũng thường có nước đọng trong kẽ lá. Nếu tìm được nguồn nước mà chưa sử dụng ngay thì nên tìm các trữ lại. Lúc này các cây thân rỗng như tre, trúc lại rất cần thiết để bạn trữ nước.

5. Nếu bạn may mắn mang theo bật lửa hoặc diêm quẹt thì quá tốt. Bạn có thể giữ ấm, đốt lửa tạo khói để báo hiệu. Nhưng nếu bạn không có bật lửa thì sao? Việt Nam phần lớn là các khu rừng nhiệt đới ẩm, chắc chắn bạn sẽ không đủ kỹ năng để “đánh đá bật lửa” hay “vò cây nhóm lửa” thậm chí là “phản xạ tia nắng mặt trời tạo nhiệt độ nóng để mồi lửa” như trên Discovery rồi.

6. Thế bạn phải làm gì khi không có lửa? Giữ ấm và giữ nước. Chỉ cần thế thôi. Thân nhiệt phải thật ổn định (không quá lạnh, không quá nóng). Thân nhiệt thay đổi sẽ làm bạn bị mất nước, đuối sức, đốt cháy năng lượng dự trữ trong cơ thể. Vậy nên hãy di chuyển nhẹ nhàng, vừa sức, nghỉ ngơi khi cần phải nghỉ. LẠC THÌ CŨNG ĐÃ LẠC RỒI. Bạn không cần phải tự tìm đường ra, bạn chỉ cần SINH TỒN đủ lâu cho đến khi có người tìm thấy bạn!

7. Phòng tránh thú dữ: Discovery (lại là Discovery) thường hướng dẫn bạn leo lên cây cao, cột mình vào thân cây để tránh thú dữ. Nhưng đây là rừng Việt Nam. Vâng, rừng Việt Nam thì “thú dữ” gần như đã biệt tăm biệt tích dưới các họng súng. Thậm chí nếu có thì chúng cũng sẽ không “dữ” nếu con người không dọa nạt, không tấn công, không bỏ chạy,….

Cách đối mặt với thú rừng là bạn hãy đứng thẳng người (càng cao càng tốt), mắt nhìn thẳng mắt “đối phương” trong vài phút, nếu “đối phương” của bạn không có ý tấn công thì nó sẽ rút lui. Còn nếu không thì…bạn rút lui! Đừng quay lưng lại, hãy chậm rãi bỏ lại balo, nón, mũ xuống đất. Bước lui từng bước một cách thận trọng (hãy học tập bọn thú rừng khi chúng gặp con thú nặng ký hơn phía trước, chúng sẽ âm thầm rút lui). Bước cho đến khi khuất dạng hoặc thấy con thú đã bỏ đi hoặc không đi theo bạn nữa. Đứng chờ một lát, sau đó mới trở lại lấy hành lý.

8. Tìm chổ ngủ: chỉ cần tìm chổ cao ráo, sạch sẽ, không rắn rết, có thể quan sát xung quanh. Tốt hơn nữa thì có mái che (hoặc bạn có thể tự làm cái này). Vậy là đủ tốt rồi. Lửa, không có cũng không sao! Bạn đang sống trong rừng, hãy tuân theo quy luật của rừng!

9. Dây cứu sinh: chẳng mấy phượt thủ trang bị dụng cụ này khi đi rừng. Nhưng đối với dân sinh tồn nước ngoài thì dây cứu sinh luôn là một dụng cụ không thể thiếu trong balo của họ. Dây cứu sinh giúp căng lều, dựng trại, vượt qua các vực thẳm, leo xuống vách núi, dốc đứng, địa hình hiểm trở,…

Quay trở lại các cánh rừng Việt Nam, địa hình nhiều đồi núi và dốc đứng. Nếu không có dây cứu sinh để bạn có thể đu/trượt xuống cho an toàn. Thì bạn có thể “hi sinh” quần áo làm dây buộc. Nhưng ý mình ở đây không phải là nối cái quần này chiếc áo kia thành một sợi dây dài như trong phim ảnh đâu.

Mẹo nhỏ:Bạn hãy dùng một chiếc quần dài, cột gút 2 ống quần lại với nhau thành một đoạn 'dây tự chế' chắc chắn. Bạn vẫn có thể trượt xuống bằng cách vòng 'đoạn dây' qua thân cây lớn, một tay bám vào dây để trụ lại, chân trượt xuống vị trí vừa tầm và an toàn. Cứ như thế trượt từ cây này sang cây kia. Có thể hơi chậm nhưng vẫn đảm bảo an toàn & chắc chắn nhé.

Đăng ký theo dõi
Thông báo cho tôi khi có
guest
0 Góp ý
Phản hồi liên quan
Xem tất cả bình luận