Chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19

Du lịch Kuala Lumpur – Bali tự túc cần chuẩn bị gì?

Do đây là chuyến du lịch tự túc dài ngày tại 2 đất nước Malaysia và Indonesia nên bạn cần chuẩn bị thật kỹ những điều sau đây trước khi đi nhé.

Vé máy bay

Mình đặt vé máy bay trước gần 2 tháng trên Bookin.vn bao gồm vé khứ hồi từ Hà Nội đi Kuala Lumpur với giá 3.400.000đ của Vietnam Airline và vé khứ hồi từ Kuala Lumpur đi Bali với giá 2.400.000đ (chiều đi của Malindo Air còn chiều về Air Asia)

Tổng cộng hết 5.800.000đ cho tiền vé máy bay của 4 chặng bay. Nếu mình đặt trước đó 1 ngày thôi thì tổng vé chỉ là 4.700.000đ nhưng do lưỡng lự nên không đặt luôn lúc đó, hôm sau vào thấy giá đã tăng chóng mặt.

Khách sạn

Mình ở Kuala Lumpur ngày đầu còn 3 ngày sau ở Bali và ngày cuối lại ở Kuala Lumpur nên đặt trước tổng 4 khách sạn trên Booking.

  • Kuala Lumpur: hotel A One giá 600.000đ/phòng/đêm cho 3 người và hotel China Town Inn có giá 400.000đ/phòng/đêm cho 3 người. Hai khách sạn này đều nằm trong khu China Town nha.
  • Ubud – Bali: Sari Villa Ubud giá 958.000đ/phòng 3 người. Chỗ này xinh lắm nha.
  • Seminyak – Bali: Kubu Petitenget suite – chỗ này mình ở 2 đêm với mức giá 926.000đ/đêm cho 3 người. Chỗ này cũng xinh không kém Sari Villa Ubud.

Bali chia làm 3 khu chính: Kuta – khu trung tâm sầm uất, Ubud – khu văn hoá chỉ có rừng núi không có biển và Nusa Dua – khu biển đẹp tập trung toàn resort sang chảnh. Ubud cách Kuta khá xa nên mình thuê khách sạn 1 đêm ở Ubud, 2 đêm ở Seminyak (gần Kuta).

Tổng tiền khách sạn tính ra mỗi người chỉ tốn khoảng 1.270.000đ

Cách di chuyển từ sân bay về trung tâm Kuala Lumpur

Có rất nhiều lựa chọn dành cho bạn như đi Uber, Grab hoặc xe bus, taxi và tàu điện KLIA Express. Mình chọn đi bằng KLIA Express nên hơi đắt 1 tí (300.000đ/chiều/người) nhưng rất nhanh, chỉ mất 30 phút là vào đến trung tâm Kuala Lumur. Nếu đi ô tô thì mất tầm 1.5 tiếng . Vé tàu Express mình mua trước trên web Klook.

Đổi tiền

Mình đổi từ VND sang USD trước với tỷ giá lúc đó là 22715. Do mình làm ngân hàng nên đổi lại của khách hàng được tỷ giá rẻ. Các bạn đổi tiền ở của hàng bán vàng hoặc ngân hàng thì tỷ giá sẽ đắt hơn chút.

Một vài lưu ý cần biết: mang theo các loại thuốc cơ bản như thuốc cảm cúm, berberin, kem bôi chống muỗi. Ngoài ra, ở Malaysia dùng sạc 3 chấu còn ở Indonesia lại dùng sạc hình tròn nên cục sạc Việt Nam không dùng được, bạn cần mua đầu chuyển trước.

Lịch trình du lịch Kuala Lumpur – Bali tự túc

Ngày 1: Hà Nội – Kuala Lumpur

Mình bay từ Hà Nội lúc 3h25 chiều và mất 3 tiếng để đến được Kuala Lumpur. Giờ ở Kuala Lumpur hơn Việt Nam 1 tiếng nên bay đến nơi là 7h30 tối. Ở Kuala Lumpur có 2 sân bay là KLIA 1 và KLIA 2. Mình đi hãng Vietnam Airline nên sẽ xuống sân bay KLIA 1 còn những hãng giá rẻ như Vietjet, AirAsia sẽ xuống sân bay KLIA 2.

Mình chờ nhập cảnh mất hơn 1 tiếng do sân bay này quá đông. Ở sân bay có rất nhiều quầy đổi ngoại tệ. Mình đổi từ USD sang MYR với tỷ giá 3.9 (tính theo VND thì 1 MYR = 5.820 VND) và mua 1 cái sim 4G hết 20 MYR.

Sau đó đi theo biển chỉ dẫn ra chỗ tàu KLIA Express rồi đi tàu về trung tâm Kuala Lumpur rồi gọi Uber về chở khách sạn. Mình di chuyển ở Kuala Lumpur chủ yếu bằng Uber nhé.

Về khách sạn tắm rửa xong cũng tầm 23h30. Bọn mình ra ngoài tìm quán ăn thì thấy tất cả đều đã đóng cửa. May mà tìm được quán President Corner vẫn mở nên vào gọi cơm rang. Đồ ăn ở Kuala Lumpur khá rẻ nhưng món nào cũng cay. Ăn no nê hết 24.5 MYR.

Day 2: Ăn chơi ở Kuala Lumpur và bay đến đảo Bali

Sáng dậy mình gọi Uber ra Petronas Twin Towers – toà tháp đôi nổi tiếng ở Kuala Lumpur. Mình vào bên trong là thấy ngay tầng 1 có quán ăn sáng La Cucur nên gọi mì cà ri và 1 món cơm trứng cay xè không nhớ tên với vài loại bánh. Ăn no nê hết 23 MYR.

Ăn xong ra tháp đôi chụp ảnh và bị dụ dỗ mua lens tròn hết 20 MYR. Tiếp theo mình gọi Uber về Sultan Abdul Samad Building – toà nhà nổi tiếng có kiến trúc cực đẹp và độc đáo để chụp ảnh tại đó và những chỗ xung quanh.

Đến 11h trưa mình đi bộ về khách sạn vì gần đó để dọn đồ và check out, gửi hành lý ở khách sạn rồi đi ăn trưa. Do cả 3 đứa ăn không hợp vị đồ ăn nên đã quyết định vào KFC ăn 1 bữa, giá tương đương KFC ở Việt Nam.

14h chiều mình lại gọi Uber để ra bến tàu KLIA Express đi ra sân bay kLIA, check in và xuất cảnh. 17h chiều bay đến 20h tối đến Bali. Sân bay Bali rất rộng, đi bộ mãi mới đến chỗ nhập cảnh. Mình đổi USD sang RP (tiền Indonesia) với tỷ giá 13.3 (tính theo VND thì khoảng 100.000 RP = 170.000 VND). Mua thêm 1 sim 4G với 300.000 RP.

Tiếp đó mình định gọi Uber về khách sạn ở Ubud nhưng không bắt được, cũng do mệt nên quyết định đi luôn taxi ở sân bay. Giá 400.000 RP từ sân bay về Ubud khoảng cách 35 km. Nếu đi Uber giá chỉ bằng 1/2 thôi.

Đường ở Bali rất ngoằn ngoèo, lên xuống và khá khó đi. Về đến Ubud tầm 23h kém. Hàng quán đều đóng cửa hết nên đành mua mỳ tôm trong mini mart ăn tạm.

Day 3: Ăn chơi ở Ubud và check in Seminyak

Ubud là trung tâm văn hoá nghệ thuật của Bali. Ai đến Bali mà không tới Ubud coi như chưa đến đây nha. Ở Ubud toàn rừng và không có biển nên khá nhiều muỗi, đường thì ngoằn ngoèo lên xuống kinh hơn cả đường đèo Việt Nam.

Mình hẹn anh taxi hôm qua thuê trọn gói 10 tiếng giá 550.000 RP để đi tham quan các điểm du lịch ở Ubud. Các địa điểm vui chơi ở Ubud phải di chuyển khá xa và nhiều nên hơi mệt đó nhé.

Mình đi tổng cộng 4 địa điểm:

Batuan Temple: ngôi đền cổ có kiến trúc rất đẹp, vé vào cửa chỉ 10.000 RP/người.

Monkey Forest: khu rừng toàn khỉ là khỉ, bọn khỉ ở đây rất đông và hung hãn, có thể nhảy lên đầu bạn bất kỳ lúc nào, vé vào cửa 50.000 RP/người.

Kintamani – Núi lửa và hồ: Đường đi đến đây khá xa và thời tiết ở đây thì mát như Sapa. Đến nơi mình mới ăn trưa ở 1 hàng buffet view núi cực đẹp nhưng đồ ăn không được hợp khẩu vị lắm. Ăn hết 150.000 RP/người.

Rice terrace (ruộng bậc thang na ná ở Việt Nam): vé 10.000 RP/người. Quanh khu này bán nhiều đồ lưu niệm xinh xinh nhưng nếu muốn mua thì bạn nhớ phải mặc cả nhé. Giá bán thường bằng 1/2 giá họ đưa ra.

Chơi ở rice terrace xong vốn định đi Swing (kiểu xích đu giữa núi rừng) nhưng lúc đó cũng đã muộn và khá mệt rồi nên quyết định ko vào Swing nữa.

Anh taxi đưa mình về khách sạn Kubu Petitenget Suite. Khách sạn này ở Seminyak, nằm cạnh khu trung tâm Kuta. Từ khách sạn ra biển Kuta tầm 4 – 5 km. Vì quá giờ nên tiền taxi về khách sạn tính thêm 200.000 RP.

Ăn tối ở quán nhỏ bình dân ngay gần khách sạn (mình quên không ghi lại tên). Mình gọi mấy món ăn hot plate, mỳ rau củ hải sản… ăn no nê hết 152.000 RP. Đồ ăn ở Bali nấu khá ngọt và mặn. Ăn xong về đi mát xa chân. Ở Bali cứ đi vài bước lại có cửa hàng spa giá cả với giá 1 tiếng là 95.000 RP/người.

Day 4: Nusa Dua – Uluwatu Temple

Nusa Dua cũng là 1 trong 3 khu chính của Bali (bên cạnh Ubud và Kuta). Khu này chủ yếu là các resort sang chảnh. Sáng dậy mình ra Circle K mua đồ ăn sáng rồi gọi Uber đến Nusa Dua. Các địa điểm du lịch tại Nusa Dua gồm:

Khu Water Sport: nơi có cực kỳ nhiều trò chơi như bay dù, lặn, lướt ván, mô tô nước… Mình chơi bay dù hết 550.000 RP/người. Chơi xong mình ăn trưa ở quán Warung Nyoman, cách Water Sport tầm 3 – 4 km. Thực đơn có món cơm chim, cơm thịt bò với mì gì đó không nhớ tên và nước hoa quả hết 311.000 RP, đồ ăn ở đây khá ngon nhé.

Nusa Dua Beach: Biển ở đây phải nói là đẹp xuất sắc luôn, vì vậy cho nên dù trời có nắng mình vẫn xoã nhiệt tình, thu hoạch được 1 đống ảnh so deep để đổi avatar sống ảo.

Water Blow: ngay cạnh Nusa Dua Beach nhưng không may là mình đi đúng lúc nó không blow. Hỏi ra mới biết nó chỉ blow vào sáng tầm 8h – 8h30 thôi.

Điểm đến tiếp là đền Uluwatu – nơi ngắm hoàng hôn cực đẹp. Mình đi taxi Blue Bird để đến ngôi đền này. Theo như mình quan sát thì đây là hãng taxi phổ biến nhất Bali vì đi đâu cũng thấy nhưng bạn phải hỏi quãng đường và giá trước, xe không có đồng hồ đo km đâu. Nếu thấy giá hợp lý thì đi.

Khung cảnh ở đền cực kỳ hùng vĩ, 1 bên là biển, 1 bên là núi, trông kiểu như Eo Gió ở Quy Nhơn nhưng ở 1 đẳng cấp khác. Mình chơi ở Uluwatu đến 18h30 tối là lúc mặt trời lặn, đứng ngắm hoàng hôn cực kỳ mãn nhãn, không biết dùng từ ngữ nào để miêu tả hết vẻ đẹp này.

Ngắm hoàng hôn xong mình đi taxi về khách sạn. Khoảng cách khá xa nên về khách sạn ai cũng mệt. Tối mình ăn ở nhà hàng Samba Shrimp – khá nổi tiếng trên đảo Bali. Nhà hàng trông sang chảnh nhưng đồ ăn giá bình thường , ăn cũng hợp khẩu vị, 2 đứa ăn hết 260.000 RP.

Day 5: Đền Tanah Lot – Biển Kuta – Bay về Kuala Lumpur

Sáng mình mua đồ ăn sáng ở Circle K rồi gọi Uber đi tham quan đền Tanah Lot. Vé vào đền + tiền taxi luôn là hết 185.000 RP. Tanah Lot là ngôi đền nằm giữa biển đẹp cực kỳ luôn nhé.

Chụp ảnh chán chê rồi thì ra khu ngoài ăn kem tươi, uống nước dừa và đi xem đồ lưu niệm. Mình vào 2 cửa hàng lưu niệm tên Andy Risza và Pina Colada bán đồ vòng vèo, móc chìa khoá, quần áo…. các kiểu cho con gái. Đồ đẹp và đáng yêu lắm nhé, mình chỉ muốn khuân hết cả cửa hàng về thôi

Hai cửa hàng này giá niêm yết hẳn hoi, mua nhiều cũng không đc giảm. Còn nếu bạn mua ở các hàng khác xung quanh thì không có niêm yết giá nên cần phải mặc cả nhé. Mua xong định gọi Uber về nhưng Uber không vào được nên đành gọi dịch vụ taxi ngay chỗ ngoài đền mất 200.000 RP để về khách sạn.

Do khoảng cách xa nên về đến khách sạn cũng tầm 14h chiều nên mình thay đồ nghỉ ngơi chút rồi gọi Uber đi ăn hải sản ở Sungai Seafood – hàng hải sản kiểu Trung Quốc, ăn ngon hết 445.000 RP. Ăn xong mình ra biển Kuta chơi mà biển này xấu hơn biển ở Việt Nam lại còn nhiều rác nên đành quay về.

Đến 17h mình về khách sạn và 18h check out trả phòng. Do check out muộn 6 tiếng nên trả thêm là 200.000 RP. Tiếp đó book taxi đi ra sân bay cũng 200.000 RP. Vì ăn trưa muộn nên cũng không đói lắm, mình chỉ mua ít đồ ăn lặt vặt ra sân bay ăn.

9h55 bay đến 0h40 là tới sân bay KLIA 2. Sân bay này nhập cảnh với làm thủ tục khá nhanh, không như ở sân bay KLIA 1. Sau đó gọi taxi về khách sạn giá 100.000 RP vì tàu KLIA Express chỉ hoạt động đến 1h đêm nên bay muộn phải đi phương tiện khác. Tầm 2h sáng mới về đến khách sạn China town Inn trong khu China Town ở Kuala Lumpur. Check in xong ngủ luôn và không suy nghĩ gì.

Danh sách các địa điểm nhất định phải tới khi đến Bali

Day 6: Shopping bét nhè ở Kuala Lumpur và bay về Hà Nội

Sáng dậy muộn nên đi loăng quăng khu China Town. Khu này có rất nhiều đồ lưu niệm linh tinh có thể mua về làm quà. Trưa ăn ở 1 quán noodle Trung Quốc trong China Town luôn. Mình gọi chicken noodle, pork noodle, há cảo noodle và ăn hết 27 MYR.

Ăn xong gọi taxi định ra mall mua đồ nhưng được chú taxi chỉ cho chỗ Chocolate Kingdom – nơi sản xuất và bán socola nổi tiếng ở Kuala Lumpur. Vào đây bạt ngàn socola đủ loại, bạn được ăn thử và không mua cũng không sao hết. Ngon nhất là chocolate Tiramisu.

Sau đó taxi chở ra Mid Valley Megamall – khu thương mại giá cả phải chăng để tiếp tục shopping mua vòng với mỹ phẩm các thứ. 15h gọi Uber chở về khách sạn để dọn đồ đến 16h check out, trả thêm 40 MYR vì check out muộn. Sau đó lại đi taxi ra ga tàu KLIA Express để ra sân bay.

Chiều về theo đúng lịch là 7h30 bay nhưng do sân bay KLIA có quá nhiều máy bay hạ cánh nên bị trì hoãn đến 8h15 mới bay. Sau 3 tiếng thì về đến Hà Nội lúc 10h30 giờ Việt Nam. Chờ nhập cảnh và lấy hành lý rồi gọi Grab về đến nhà đúng 12h đêm.

Vậy là kết thúc chuyến đi du lịch Kuala Lumpur – Bali trong 6 ngày 5 đêm cực kỳ đáng nhớ. Tuy hơi mệt nhưng rất vui. Nghĩ đến những kỷ niệm đã trải qua, những cảnh đẹp ở Bali xong cảm thấy không còn mệt mỏi tí nào cả.

Đăng ký theo dõi
Thông báo cho tôi khi có
guest
0 Góp ý
Phản hồi liên quan
Xem tất cả bình luận

Cảm ơn bạn đã đánh giá địa điểm này!